🌼 Cúc vạn thọ
Tôi biết là em ấy có khả năng nghiên cứu ngay từ lần đầu tiên gặp. Khi đó tôi giới thiệu tôi tên Cúc, và em ấy đã hỏi ngay:
“Nhưng mà Cúc gì vậy cô? Cúc trắng, cúc vàng hay cúc vạn thọ đó?”
Vì vậy ban đầu tôi cũng không dám nhận hướng dẫn vì sợ mất công em ấy tới ngày mong mình lên bàn thờ 😅.
Nhưng cuối cùng vì nhiều lý do, tôi đã nhận em ấy. Và khi hướng dẫn em, tôi cũng nhai lại rằng:
“Trong nghiên cứu thì có nhiều thuật toán được phát triển riêng cho các lĩnh vực khác nhau để thích ứng với từng loại dữ liệu. Ví dụ như nghiên cứu về dữ liệu khuyết thì cũng có các cách riêng cho dữ liệu liên tục, rời rạc hay hỗn hợp, chuỗi thời gian, ảnh, dữ liệu mất cân bằng, dữ liệu nhiễu, dữ liệu y tế, dữ liệu về chất lượng không khí,… Điều này cũng giống như em đã chỉ ra — hoa cúc cũng có nhiều loại: cúc trắng, cúc vàng hay cúc vạn thọ…”
🌳 Cây ATM
Viết một bài báo khoa học thực ra cũng có nhiều nét giống với viết một bài văn. Trong mỗi đoạn văn, chúng ta chỉ nên có một ý chính và phát triển ý đó.
Ví dụ, tôi yêu cầu học trò của tôi viết một bài về loài cây yêu thích của mình, và bạn ấy quyết định mô tả cây… ATM. 🤯
Bạn ấy bắt đầu bằng một đoạn giới thiệu (abstract) rất hấp dẫn, nói về sự “hấp dẫn” của cây ATM — tại sao cần cây ATM, cây ATM có công năng gì vượt trội so với các loài cây khác…
Phần introduction bạn ấy mở rộng cái abstract ra và nêu bật được những “cống hiến” của bài báo này. Ổn. Nhưng khi phân tích “thí nghiệm” thì bạn ý chạy hơi lòng vòng: từ ý A sang B rồi lại chạy về A trong cùng một đoạn. Mà bạn ấy viết mấy đoạn liên tiếp cứ ý a, ý b, ý c… chạy lòng vòng như mê cung. Trong khi tôi đã bảo:
“Mỗi đoạn tập trung một ý thôi!”
💡 Cảm hứng nghiên cứu đến từ mạng khác
Tôi kể cho học trò mình là nhiều khi cảm hứng nghiên cứu đến từ một mạng lĩnh vực hoàn toàn khác.
Ví dụ như trong tối ưu hóa, có rất nhiều thuật toán lấy cảm hứng từ thiên nhiên như:
Ant Colony Algorithm, Particle Swarm Optimization, Artificial Bee Colony,…
Và tôi bắt đầu kể một số ví dụ khác không liên quan đến tối ưu:
Lytle S. Adams, một nha sĩ từ Pennsylvania, đã đề xuất ý tưởng kỳ lạ vào năm 1941: gắn bom cháy nhỏ lên dơi và thả chúng xuống Nhật Bản để phá hủy các công trình. Ý tưởng này được quân đội Mỹ tài trợ và phát triển nhờ mối quen biết của ông với Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt. Kế hoạch bao gồm làm lạnh dơi để chúng ngủ, gắn bom napalm nhỏ lên, rồi thả từ máy bay bằng dù. Khi dơi tỉnh dậy, chúng sẽ trú ẩn trong các công trình trước khi bom phát nổ. Dù thí nghiệm cho thấy hiệu quả, dự án bị huỷ bỏ để tập trung vào phát triển bom nguyên tử.
Vừa kể xong, có em lấy cảm hứng từ bom sinh học ngay trong lab 🧪 làm tôi phải chuyển gấp sang chuyện khác…
Tôi kể tiếp: Wilhelm Barthlott, sử dụng kính hiển vi điện tử quét để nghiên cứu bề mặt lá sen, phát hiện chúng được bao phủ bởi các vật sần nhỏ giống như hộp đựng trứng. Trái với kỳ vọng, bề mặt sần sùi này giúp các giọt nước không tiếp xúc trực tiếp với lá mà nằm trên các túi khí, giống như người nằm trên giường đinh. Khiến cho nước dễ lăn đi và mang theo bụi bẩn → ông phát triển khái niệm bề mặt tự làm sạch, ứng dụng vào công nghiệp như sơn và cửa sổ tự làm sạch.
Kể tới đây, một em khác hỏi:
“Chị ơi, có cái gì liên quan đến con cú không ạ? Em đang ngồi cạnh một con…” rồi chỉ vào thằng bạn thân bên cạnh.
Thằng bạn đáp tỉnh bơ:
“Không phải tui nha, mùi là dầu gió ai để quên ở đây!”
Tôi cười, rồi chiều lòng:
“Có! Cú có khả năng bay lặng lẽ cực kỳ đáng kinh ngạc nhờ cấu trúc lông đặc biệt. Đầu lông cánh có răng cưa như lược giúp phá vỡ luồng không khí hỗn loạn, đuôi lông có viền mềm mại để giảm tiếng ồn. Cả cơ thể phủ lông mềm giúp hấp thụ âm thanh. Những thiết kế này đã được áp dụng vào cánh quạt điện, tuabin gió, và máy bay để giảm tiếng ồn, tiết kiệm nhiên liệu…”
❌ Paper Rejection
Bài báo của chúng tôi bị reject. Nhìn mặt chú Tễu nhà ta tơi tả, tôi an ủi:
“Chuyện bị từ chối là bình thường thôi. Ngần này tuổi, chắc em cũng bị nhiều em gái từ chối rồi, nên đừng tủi chỉ vì mấy người phản biện reject này!”
Tễu đáp:
“Gái từ chối là bình thường. Nhưng lỡ reviewer là nam thì sao chị?!”
Tôi thương em ấy. Cậu đã đưa những mối tình đơn phương vào forget gate trong mạng nơ-ron não bộ, dù đã học cao học và có thành tích tốt trong nghiên cứu.
Nhưng bị reject chưa chắc là điều xấu — nhất là khi reviewer để lại những nhận xét hữu ích. Bài bị từ chối ở một hội nghị, nhưng sau đó được accept ở hội nghị lớn hơn là chuyện bình thường.
🥊 Rebuttal (Phản biện)
Phản biện nên chuẩn bị trước chứ không phải để đến phút chót. Đặc biệt vì bài báo có nhiều tác giả, không ai rảnh cùng lúc.
Lần này, tác giả chính bận một hội nghị khác, nên dù tạp chí cho tận hai tháng, nhóm ba tên khờ chỉ bắt đầu chuẩn bị rebuttal một tháng trước deadline.
Thế là có một buổi họp online kéo dài gần 3 tiếng để giải quyết 3 trang nhận xét.
- “Sao chỉ có mình tui bật camera?” – Ninh hỏi
- “Nay cày xong mệt quá rồi!” – Nam đáp
- Thế là cười: “Trang điểm gấp đi Nam, còn bật cam lên cho Ninh nó ngắm!”
- “Thôi, bật đi!”
- “Rồi! Bắt đầu nhé! Tao share màn hình nè.”
- “Share đi! Có ai muốn thấy mặt mũi ai đâu mà còn ngại. Google Meet phóng mặt to đùng luôn!”
- “Nhìn xong muốn mất ngủ luôn á…”
Sau hai giờ họp:
- “Ê, làm tiếp vào ngày khác được không? Bây giờ là 1h sáng bên đây. Tao mệt quá rồi, cần ngủ chút.”
- “Thôi! Đàn ông thanh niên, ráng tí nữa đi. Thế là gái mà còn chưa đòi ngủ kìa!”
- “Bây giờ là 11h trưa ở Mỹ mà đòi nghỉ cái gì…”
Cái giá phải trả cho việc rebuttal trễ là vậy đó 😩
👩💻 Tiểu sử tác giả (Author Bio)
Bài đã được accept nên phải nộp tiểu sử tác giả cho IEEE. Tôi nhắc nhẹ:
“Hình mặt khi nộp sẽ ở trên Internet ngàn đời. Nên chọn hình nào con cháu sau này nhìn vào còn dám… nhận người thân!”
Thế là tụi nhỏ giỡn, chọn hình có hoa lá, phía sau là bông hồng to gấp đôi người. Một bạn thì dang rộng tay như ôm cả thế giới.
Tôi cười:
“Đẹp á. Thể hiện tình yêu với tạp chí và reviewers. Chị bình chọn cho tấm này.”
Bó tay luôn. Hình nào cũng được… nhưng đừng lố quá 😆
Rồi lại hỏi:
“Còn author bio thì sao chị? Em tra Google thấy toàn tiểu sử thủ tướng với chủ tịch nước… trong khi em vẫn là… hoa vô chủ.”
Tôi đưa luôn ví dụ chuẩn chỉnh tiếng Anh cho đỡ tủi:
Jane Doe is an Associate Professor in the Department of Electrical and Computer Engineering at ABC University, where she has been teaching since 2015…
💬 Thanh niên đi hội nghị
Trên VietPhD có bài hỏi: Sau hội thảo, làm sao giữ liên lạc với người mình quen?
Có một comment bá đạo nhất nhận được hàng chục like:
“Chưa crush ai bao giờ sao?”
Tôi kể cho cả đám nghe. Tễu toe toét:
“Giống em vậy”
Tôi hỏi lại: “Vậy tính sao khi đi hội nghị? Crush rồi tính gì?”
Em gái đáp tỉnh queo:
“Crush gì chị. Không quen thì thôi chứ có gì đâu!”
Một con nai khác hỏi: “Vậy rốt cuộc làm sao giữ liên lạc với người ở hội nghị?”
Nam thanh niên bên cạnh đáp ngay: “Zalo, Facebook, Instagram chứ gì nữa!”
“Lỡ người ta tưởng mình có tình ý thì sao?”
“Xin mail.”
“Dùng LinkedIn, rồi comment với like bài người ta, khổ quá…”
Discover more from Science Comics
Subscribe to get the latest posts sent to your email.